Nhựa Rạng Đông Long An đi vào hoạt động – kỳ vọng đạt kế hoạch kinh doanh năm 2018

Việc dự án Long An chính thức vận hành giai đoạn 1 mới đây với đối tác đến từ Nhật bản được kỳ vọng sẽ giúp Nhựa Rạng Đông đạt được những mục tiêu kinh doanh năm 2018.


Khởi công từ tháng 4/2016, dự án CTCP Nhựa Rạng Đông Long An có tổng diện tích 17 ha, tổng số vốn đầu tư 32 triệu USD, số lượng nhân lực đạt 1.000 người. Trong đó, Tập Đoàn Sojitz Pla-Net Nhật Bản là cổ đông chiến lược góp 20% cổ phần, 80% cổ phần còn lại thuộc về Nhựa Rạng Đông.

Hiện, giai đoạn 1 của dự án được hoàn thành với diện tích là 8,7 ha, tọa lạc tại lô H1, H2, H3, H4, H7, H8, H9 đường 3, 8, 9 KCN Tân Đô, tỉnh Long An. Nhà máy được chia làm 4 khu vực: nhà máy 1 có diện tích 11.760 m2 với tổng kinh phí đầu tư 36,5 tỷ đồng; nhà máy 2 có tổng diện tích là 19.840 m2 với tổng tổng kinh phí đầu tư 56,3 tỷ đồng; nhà máy 3 có diện tích 20.480 m2, tổng kinh phí đầu tư 62,5 tỷ đồng và khu văn phòng có diện tích 5.832 m2 với kinh phí 11,7 tỷ đồng.

Nói về dự án này, Chủ tịch CTCP Nhựa Rạng Đông (HOSE: RDP), ông Hồ Đức Lam cho biết: "Long An là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, chỉ cách trung tâm Tp.HCM 50 km và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ nối liền Đông Nam Bộ với  khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong những năm gần đây, Long An có tốc độ phát triển kinh tế, xã hội rất cao; đặc biệt là KCN Tân Đô với diện tích 302,72 ha và tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng. Theo đó, trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành nhựa trong nước và khu vực, CTCP Nhựa Rạng Đông đã đầu tư xây dựng dự án Công ty Nhựa Rạng Đông Long An nhằm đáp ứng nhu cầu nhựa đang tăng cao".

Được biết, HĐQT Nhựa Rạng Đông mới đây đã ban hành nghị quyết thông qua việc bầu chọn ông Hồ Đức Lam tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ mới năm 2018-2023. Đồng thời ông Lam cũng sẽ là người đại diện theo pháp luật của Nhựa Rạng Đông.

Kỳ vọng lớn từ đối tác Nhật Bản

Về Sojitz Pla-Net, Tập Đoàn là đơn vị kinh doanh ngành nhựa của Nhật Bản được thành lập từ năm 2004 (hợp nhất từ Pla-Net, Nissho Iwai Plastic, and Chori Pla-Techno – công ty con của Pla-Net Holdings). Hiện Tập đoàn Sojitz có 27 chi nhánh ở 17 nước trên thế giới với doanh thu đạt khoảng 200 tỷ Yên, là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nhựa với sản lượng hơn 1 triệu tấn nhựa được sản xuất. Được biết, lĩnh vực hoạt động chính của đối tác Nhật này là bán các sản phẩm chất dẻo kỹ thuật hướng đến việc ứng dụng trong xe hơi và những thiết bị gia dụng.

Tại lĩnh vực đóng gói bao bì, Sojitz đã đầu tư vào CTCP Nhựa Rạng Đông Long An. Trở thành đối tác của Nhựa Rạng Đông, Chủ tịch tập đoàn Sojitz cam kết sẽ hợp tác và hỗ trợ thông qua việc cung cấp nguyên liệu thô; hỗ trợ bán hàng thông qua hệ thống bán lẻ của Sojitz cả ở tại Việt Nam và xuất khẩu sang các thị trường lân cận; đồng thời hỗ trợ cả về kỹ năng mềm.

Mục tiêu lãi ròng 2018 đạt 50 tỷ đồng, tăng hơn 190%

Đặt mục tiêu cho năm 2018, Nhựa Rạng Đông kỳ vọng doanh thu sẽ tăng 13.4%, đạt 1,500 tỷ đồng, trong đó nhóm sản phẩm bao bì tiếp tục tăng trưởng mạnh và phấn đấu đứng vào top 10 nhà sản xuất bao bì lớn nhất châu Á vào năm 2021. Lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 50 tỷ đồng, tăng 190.4% so với năm 2017.

Có thể thấy rằng, con số kế hoạch trên khá táo bạo đối với Nhựa Rạng Đông. Và để thực hiện hóa được chỉ tiêu đề ra, Công ty cho biết sẽ tiếp tục đầu tư và phát triển các dòng sản phẩm giả da, bao bì, đặc biệt là dòng sản phẩm màng nhà kính, màng phủ nông nghiệp; mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại nguyên liệu chính phục vụ ngành nhựa như hạt nhựa, hóa dẻo, DOP... ; đồng thời đầu tư thành lập CTCP Tiếp Vận Song Dũng nhằm tối ưu chi phí logistic và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sang lĩnh vực tiếp vận hàng hóa.

Đáng chú ý, Công ty đang tập trung tối đa mọi nguồn lực để đưa Nhà máy Long An vào vận hành đúng tiến độ, đạt năng suất thiết kế để gia tăng năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Tại đây, Nhựa Rạng Đông dự kiến sẽ phát huy lợi thế tăng cường hợp tác kinh doanh với đối tác Sojitz-Planet nhằm đạt được mục tiêu giảm chi phí logistics, mở rộng thị phần, tăng trưởng doanh số, đặc biệt là xuất khẩu…

Như vậy, việc dự án chính thức vận hành giai đoạn 1 mới đây với đối tác đến từ Nhật bản được kỳ vọng sẽ giúp Nhựa Rạng Đông đạt được những mục tiêu kinh doanh năm 2018, sau một năm khá không thuận lợi. Điểm lại năm 2017, tình hình kinh doanh của Nhựa Rạng Đông chưa đạt được như kỳ vọng do ảnh hưởng của hoạt động di dời máy móc thiết từ công ty mẹ sang công ty con, doanh thu của Công ty đạt 1,322 tỷ đồng, tăng 11.1% so với năm 2016, nhưng lợi nhuận sau thuế lại âm 55 tỷ đồng. Tuy nhiên, do phát sinh khoản thu nhập 124 tỷ đồng từ hoạt động thanh lý 20% cổ phần Nhựa Rạng Đông Long An cho Tập đoàn Sojitz Planet (Nhật Bản) nên lợi nhuận chưa phân phối năm 2017 là 69 tỷ đồng, ghi nhận tăng 30% so với năm ngoái, thực hiện được 85% kế hoạch đề ra.

Theo Tri Thức Trẻ

Đăng nhận xét

Tin liên quan